Đừng xem thường dịch bệnh sốt xuất huyết
Dịch bệnh sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh nguy hiểm và rất thường gặp ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Mặc dù dịch bệnh này đã xuất hiện từ lâu và mang nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn chưa có đủ kiến thức về nó. Hiểu rõ sốt xuất huyết giúp bảo vệ bản thân và gia đình bạn tốt hơn!
Nguyên nhân gây ra dịch bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết được gây ra bởi virus Dengue (gồm 4 chủng Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4). Loại virus này chủ yếu được lây truyền qua muỗi vằn. Cơ thể người sẽ là ổ chứa bệnh chính. Khi muỗi hút máu bệnh nhân sốt xuất huyết, virus có khả năng tồn tại và ủ bệnh trong cơ thể muỗi đến 8-11 ngày. Khi muỗi hút máu người khác sẽ truyền bệnh trong cộng đồng.
Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết
Vì có nhiều chủng nên một người có thể bị dính dịch bệnh sốt xuất huyết nhiều lần trong đời. Tuy nhiên, nếu đã mắc chủng virus nào thì cơ thể có khả năng miễn dịch với chủng đó suốt đời. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ tử vong của bệnh này tại Việt Nam là 0.02%.
Ngoài tử vong, sốt xuất huyết còn có thể để lại những biến chứng suốt đời như suy tim, suy thận, suy đa tạng, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, sinh non ở phụ nữ mang thai,… Việc phát hiện sốt xuất huyết ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
Hiện nay, vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết chưa được lưu hành rộng rãi trên thế giới vì WHO chưa tiền thẩm định chất lượng loại vaccine này. Do đó, tại Việt Nam chỉ có thể phòng bệnh bằng các biện pháp khác.
Triệu chứng dịch bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết có nhiều dấu hiệu khác nhau tùy theo giai đoạn bệnh và cũng tùy theo thể chất từng bệnh nhân.
- Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 3-6 ngày (thậm chí lên đến 15 ngày). Thời gian này sẽ không có biểu hiện rõ ràng
- Giai đoạn khởi phát: Sốt cao đột ngột, rất mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ, đau họng, buồn nôn và nôn mửa, có thể kèm theo tiêu chảy
- Giai đoạn sau: Ở giai đoạn sau của dịch bệnh sốt xuất huyết, tình trạng bệnh nhân có thể chuyển biến nặng rất nhanh. Sau 2-5 ngày, khi bệnh nhân đã hết sốt thì lượng tiểu cầu trong máu sẽ giảm nhanh, tiếp theo là cô đặc máu. Tùy vào từng bệnh nhân mà sẽ có biểu hiện xuất huyết hoặc không. Chúng bao gồm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa và chảy máu mũi,… Với những trường hợp nặng có thể có các triệu chứng như gan phình to và gây đau đớn vùng gan, tràn dịch màng phổi, lượng protein trong máu tuột xuống hoặc các bệnh lý về não.
Sốt xuất huyết gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Cách phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết
Phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho chúng ta, đặc biệt trong các khu vực có nguy cơ cao. Nhiệm vụ này cần sự chung tay của cả cộng đồng mới có thể ngày càng tốt hơn. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa chủ chốt được Bộ Y tế khuyến cáo:
Loại bỏ nơi sinh sống và sinh sản của muỗi
- Dọn dẹp những đồ vật/nơi chứa nước không sử dụng trong và xung quanh nhà.
- Đậy kín nắp các nơi chứa nước để tránh cho muỗi đẻ trứng
- .Có thể thả cá bảy màu vào các nơi chứa nước rộng.
- Thường xuyên làm sạch các dụng cụ chứa nước.
- Vệ sinh nhà ở và môi trường sống để hủy nơi ẩn nấp của muỗi.
- Tránh để ao tù nước động
- Phát quang cây cối gọn gàng
Khu vực sống mất vệ sinh rất dễ có muỗi
Phòng chống muỗi hút máu
- Sử dụng kem chống muỗi
- Xua đuổi muỗi bằng việc xông khói an toàn hoặc xông tinh dầu
- Xịt tinh dầu đuổi muỗi vào quần áo
- Dùng vợt điện bắt muỗi
- Xịt khử côn trùng định kỳ tại nơi sinh sống
- Mặc quần áo dài tay
- Ngủ màn kín nếu ở nơi có nhiều muỗi
- Hạn chế đến những nơi ẩm thấp, rậm rạp
Dịch bệnh sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị. Do đó, nâng cao ý thức cộng đồng về diệt trừ muỗi và lăng quăng là rất quan trọng. Hãy cùng nhau chung tay vì sức khỏe của chúng ta!