Phòng ngừa và điều trị đau mắt đỏ
Hiện nay, dịch đau mắt đỏ đang hoành hành tại nhiều thành phố nước ta. Đây không phải một căn bệnh quá nghiêm trọng nhưng vẫn cần được theo dõi kỹ lưỡng để ngăn ngừa biến chứng. Hiểu về bệnh sẽ giúp bệnh nhân có cách xử trí tốt hơn khi bị đau mắt đỏ.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ còn có tên gọi khác là bệnh viêm kết mạc. Đây là bệnh gây ra bởi virus và có khả năng lây truyền mạnh mẽ. Nguyên nhân chính gây bệnh là Adenovirus. Ngoài ra, vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu cũng có thể dẫn đến viêm kết mạc.
Vào tiết giao mùa, nhất là khi hè chuyển sang thu, thời tiết thất thường sẽ khiến dịch đau mắt đỏ dễ tấn công chúng ta hơn. Vì lúc này hệ miễn dịch của con người trở nên yếu hơn, dễ bị nhiễm bệnh hơn. Đặc biệt là ở các thành phố lớn, có mật độ dân số dày đặc và nhiều khói bụi, ô nhiễm.
Adenovirus là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra đau mắt đỏ
Biểu hiện của đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ chưa có cách điều trị đặc hiệu. Đa số các trường hợp đau mắt đỏ đều nhẹ và không gây nguy hiểm. Mặc dù vậy, bệnh nhân cũng cần quan sát biểu hiện bệnh cẩn thận và hỏi ý kiến bác sĩ để có cách chữa trị đúng. Những biểu hiện thường gặp của đau, bao gồm:
- Mắt đỏ
- Đổ ghèn từ ít đến nhiều. Ban đầu là ghèn trong sau đó chuyển thành xanh và vàng
- Cảm thấy khó chịu trong mắt, cộm mắt như có dị vật ở trong
- Tiết nhiều dịch mắt, buổi sáng khó mở mắt vì dịch khô và làm dính chặt 2 mí mắt
- Mí mắt sưng và đau nhức, chảy nước mắt
- Trong lúc bị đau mắt đỏ, bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng như sốt nhẹ, ho và đau họng, mệt mỏi,…
Đau mắt đỏ ở trẻ cần được phụ huynh đặc biệt chú ý
Đường lây truyền đau mắt đỏ
Viêm kết mạc có thể dễ dàng lây qua nhiều đường khác nhau:
- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp và xúc giác như bắt tay, dùng chung dụng cụ cá nhân hoặc chạm vào những nơi nhiều người tiếp xúc như nút bấm thang máy, tay nắm cửa,… Cả nước mắt, nước bọt và dịch mắt đều chứa virus lây bệnh
- Sử dụng các nguồn nước bị nhiễm virus
- Ít vệ sinh sạch sẽ hai tay và hay dụi tay vào mắt, miệng, mũi
- Những nơi tập trung nhiều người như công sở, trường học, bệnh viện sẽ tăng nguy cơ lây truyền đau mắt đỏ.
Điều trị và phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
Khi có những triệu chứng sau và nghi ngờ mình bị đau mắt đỏ, bạn cần đi khám tại các cơ sở y tế: Cảm thấy đau mắt, đỏ mắt, tầm nhìn bị ảnh hưởng, mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng, mắt ra nhiều ghèn bất thường.
Cần tuân thủ phương pháp điều trị từ bác sĩ để nhanh khỏi đau mắt và ngăn chặn biến chứng
Sau khi được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc, bạn cần thực hiện những việc sau đây tại nhà để bệnh mau khỏi và không tiến triển nặng hơn:
- Rửa mắt, giữ vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Nhất là sau khi từ bên ngoài về nhà hoặc gặp mặt nhiều người
- Khi mắt bị sưng phù có thể tiến hành chườm lạnh bằng một chiếc khăn ướt và mát
- Sử dụng kính bảo hộ mắt tối màu khi ra đường và trong trường hợp phải tiếp xúc với người khác như đi học, đi làm.
- Thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng và hạn chế chạm tay lên mặt, lên mắt
- Không trang điểm và đeo lens khi mắt đang bị bệnh
- Dùng khăn hoặc giấy sử dụng một lần để lau mắt, sau đó vứt rác đúng cách
- Ngoài nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%), bệnh nhân không được tự ý sử dụng bất kỳ thuốc nhỏ mắt nào khác, đặc biệt là các loại thuốc chứa corticoid. Cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ để mắt không bị tổn thương hoặc nhiễm trùng nặng hơn. Vì chúng có thể làm ảnh hưởng đến thị giác suốt đời.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều để mắt không bị kích thích. Nếu bệnh nhân là trẻ em cần nghỉ học trong vài ngày để tránh lây lan.
- Không dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chăn gối. Không dùng chung nước nhỏ mắt với người khác.
- Không thực hiện các biện pháp chữa trị dân gian như đắp lá vào mắt hay xông mắt bằng nước thảo dược,…
Nếu bạn đang nghi ngờ mình bị đau mắt đỏ, hãy đi khám càng sớm càng tốt và cố gắng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cả những người xung quanh. Dịch đau mắt đỏ không đáng sợ, quan trọng là cách xử trí của bạn phải nhanh chóng và đúng đắn.