Những bệnh lý thường gặp ở hệ tiết niệu
Ngày nay, do các lối sống và sinh hoạt không lành mạnh mà các bệnh về đường tiết niệu gia tăng đáng kể. Hiểu về hệ tiết niệu và nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp chúng ta chủ động phòng ngừa các bệnh này một cách tốt nhất.
Cấu trúc và chức năng của hệ tiết niệu
Hệ tiết niệu bao gồm nhiều cơ quan quan trọng, mỗi bộ phận đều đóng vai trò đặc biệt trong việc duy trì sự cân bằng của cơ thể và loại bỏ các chất thải. Hệ tiết niệu gồm có:
- Thận: Thận là cặp cơ quan nằm ở vùng lưng, cơ thể con người có 2 quả thận, mỗi quả có kích thước khoảng từ 10-12,5 cm. Thận có nhiệm vụ quan trọng là lọc máu để loại bỏ các chất thải không cần thiết và duy trì cân bằng nước, chất điện giải trong cơ thể. Nó cũng có vai trò trong việc kiểm soát lượng canxi trong máu.
- Bàng quang: Bàng quang chứa nước tiểu từ thận và đẩy nó ra ngoài qua niệu đạo. Nó có khả năng mở rộng và co lại để điều khiển lượng nước tiểu. Bàng quang bình thường có sức chứa từ 300-500ml nước tiểu.
- Niệu quản: Niệu quản là cơ quan dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Cấu trúc và đường kính của niệu quản có thể thay đổi tùy theo giới tính và cơ thể.
- Niệu đạo: Niệu đạo là cơ quan cuối cùng của hệ tiết niệu và có nhiệm vụ đào thải nước tiểu ra khỏi cơ thể thông qua lỗ niệu đạo. Đối với nam giới, niệu đạo còn đóng vai trò trong việc dẫn tinh dịch ra ngoài khi xuất tinh.
Nếu không được chăm sóc đúng cách đường tiết niệu cũng có thể gặp nhiều bệnh
Những bệnh lý thường gặp ở hệ tiết niệu
Có một số bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất ở hệ tiết niệu. Chúng có thể xảy ra ở cả nam và nữ, người lớn và trẻ em. Các bệnh này có tác động xấu đến cuộc sống thường ngày. Đặc biệt, nam giới mắc các chứng tiết niệu còn có khả năng ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản.
Tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ là tình trạng mất khả năng kiểm soát vận động bàng quang, dẫn đến sự rò rỉ nước tiểu không mong muốn. Nguyên nhân có thể do bệnh tiểu đường, phụ nữ đang trong thai kỳ, bàng quang bị quá tải và các vấn đề về cơ bàng quang và cơ đáy chậu. Ngoài ra, bệnh này cũng có thể do việc dùng quá nhiều các loại thức ăn nước uống kích thích bàng quang như bia rượu, cà phê, nước ngọt có gas, thức ăn nhiều gia vị, thức ăn cay nóng, bổ sung vitamin C quá liều,…
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính cũng là một bệnh của hệ tiết niệu. Đây là tình trạng tuyến tiền liệt tăng kích thước bất thường, thường xuất hiện ở nam giới khi lớn tuổi. Triệu chứng thường gặp nhất là áp lực lên niệu đạo, gây tiểu tiện quá thường xuyên. Hướng điều trị có thể là theo dõi tiến triển bệnh hoặc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Sỏi hệ tiết niệu
Sỏi hệ tiết niệu là tên gọi chung cho các sỏi xuất hiện tại các cơ quan trong hệ tiết niệu. Chúng có thể là sỏi thận, sau đó di chuyển theo đường nước tiểu và trở thành sỏi niệu quản, sỏi bàng quang. Chúng có thể gây đau quặn và tắc nghẽn đường tiểu. Hướng điều trị thường thấy là phẫu thuật để loại bỏ sỏi.
Sỏi thận là một trong những chứng sỏi tiết niệu thường gặp
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và gây nhiễm trùng. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nam giới. Các thói quen không tốt như nhịn tiểu, ngồi lâu mà không vận động, vệ sinh vùng kín không đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn,… cũng là nguyên do dẫn đến nhiễm trùng hệ tiết niệu. Hướng điều trị cho bệnh này chủ yếu là dùng kháng sinh để loại bỏ tác nhân gây bệnh.
Cách chữa trị các bệnh hệ tiết niệu
Đầu tiên, khi có các triệu chứng của bệnh lý đường tiết niệu, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa để được tư vấn chính xác nhất. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh tìm hiểu nguyên nhân cụ thể và lên phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị sẽ tùy vào loại bệnh và mức độ bệnh, bao gồm:
- Dùng thuốc: Bác sĩ sẽ kê thuốc riêng cho mỗi tình trạng bệnh để kiểm soát triệu chứng hoặc loại bỏ nguyên nhân gây bệnh
- Can thiệp phẫu thuật: Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật là cách tốt nhất để chấm dứt bệnh, chẳng hạn như sỏi thận
- Thay đổi lối sống: Việc sinh hoạt lành mạnh, tập luyện thể thao và ăn uống đúng cách sẽ giúp cải thiện bệnh cũng như ngăn chặn chúng quay lại.
Lối sống lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe hệ tiết niệu
Hệ tiết niệu là một phần không thể thiếu trong cơ thể con người và đóng vai trò quan trọng trong duy trì sức khỏe tổng thể. Việc hiểu về cấu trúc và chức năng của hệ tiết niệu cũng như nhận biết và điều trị các bệnh lý thường gặp là quan trọng để duy trì cơ thể khỏe mạnh.