Bệnh thoái hóa khớp ở người lớn tuổi
Thoái hóa khớp là một trong những bệnh tuổi già thường gặp nhất. Bệnh này gây nhiều đau đớn và khó khăn trong sinh hoạt của người lớn tuổi. Hiểu rõ về bệnh giúp người thân có thể chăm sóc và hỗ trợ ông bà, cha mẹ mình một cách phù hợp nhất.
Thoái hóa khớp là gì và vì sao người lớn tuổi thường bị thoái hóa khớp?
Thoái hóa khớp chính là tình trạng sụn khớp dần lão hóa theo độ tuổi. Hiểu đơn giản là sụn khớp đang dần già đi. Hầu như ai bước sang độ tuổi 70 cũng bị thoái hóa khớp. Khớp gối có tỷ lệ thoái hóa cao nhất. Tiếp đến là cột sống lưng, cột sống cổ, khớp háng và khớp vai,…
Khớp thoái hóa là căn bệnh phổ biến ở người già
Thoái hóa ở cơ thể con người là quy luật tự nhiên mà không ai có thể tránh khỏi. Và xương là một trong những cơ quan có biểu hiện rõ ràng nhất của việc thoái hóa. Do đó, bệnh này rất thường gặp ở người lớn tuổi.
Tuy nhiên, có những nguyên nhân khác tác động lên tỷ lệ bị thoái hóa khớp, bao gồm:
- Mắc các bệnh lý về khớp khi còn trẻ như viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp hoặc bị chấn thương ở các khớp,…
- Tiểu đường
- Yếu tố di truyền
- Vận động quá mức làm khớp quá tải
Có thể tránh khỏi thoái hóa khớp được không?
Đây chính là quy trình lão hóa tự nhiên của con người, do đó thoái hóa khớp là khó tránh khỏi. Nhưng nếu hiểu rõ bệnh này từ sớm và có biện pháp phòng ngừa thích hợp thì có thể làm chậm quá trình khớp lão hóa và mức độ thoái hóa cho người lớn tuổi. Bên cạnh đó, nếu tuân theo phác đồ điều trị đúng thì có thể phục hồi phần nào cấu trúc và chức năng khớp. Giúp ông bà có thể vận động bình thường và tận hưởng cuộc sống.
Những triệu chứng sau đây sẽ giúp bạn nhận ra người thân của mình đang có khớp bị thoái hóa:
- Đau mỗi khi vận động. Mức độ đau và loại đau sẽ tăng dần. Ban đầu là chỉ đau khi khớp hoạt động. Sau đó sẽ tiến triển thành đau âm ỉ một cách liên tục và đau nhói khi vận động.
- Dần dần, những hoạt động thường ngày của người bệnh sẽ trở nên khó khăn, kể cả đi đứng, duỗi và gập các chi.
- Vì quá đau đớn và không thể vận động, người cao tuổi có nguy cơ teo cơ sau một thời gian dài mắc bệnh thoái hóa khớp
- Cứng khớp buổi sáng khi ngủ dậy. Phải hỗ trợ gập duỗi kết hợp xoa bóp mới có thể đi đứng bình thường
- Khớp bị biến dạng
- Phát ra tiếng động lụp cụp khi vận động khớp
Phòng ngừa từ sớm sẽ bảo vệ sức khỏe khớp khi về già
Cách trị và phòng ngừa thoái hóa khớp
Vì mang đến rất nhiều bất tiện và gây khổ sở khi về già, chúng ta cần có những bước chuẩn bị cho bản thân mình và người thân từ sớm, tốt nhất là những năm vừa bước qua tuổi 40.
Cách phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp
- Tập thể dục đều đặn. Khi lớn tuổi hơn, bạn chỉ nên tập nhẹ nhàng, vừa sức. Tránh tác động quá mạnh lên khớp, gây thêm áp lực cho khớp
- Ăn uống và sinh hoạt điều độ để tránh bị tiểu đường hay béo phì
- Không làm việc quá nặng nhọc hay thường xuyên khuân vác đồ nặng sai tư thế
- Bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là xương qua sữa dinh dưỡng hoặc thực phẩm chức năng như vitamin D, canxi,…
Cách điều trị thoái hóa khớp
Ngay khi thấy có các dấu hiệu của bệnh, bệnh nhân nên đi khám càng sớm càng tốt tại chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Thông thường, vì đau đớn gây giảm chất lượng cuộc sống nên bác sĩ thường sẽ kê thuốc giảm đau. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp giải quyết biểu hiện bệnh chứ không chấm dứt được căn nguyên của thoái hóa. Vì vậy, bệnh nhân không được lạm dụng thuốc giảm đau. Một loại thuốc khác thường được sử dụng để cải thiện tình trạng khớp là Glucosamine. Ngoài khả năng giảm đau, chống viêm, Glucosamine được xem là “thần dược” dành cho khớp. Chất này không những kích thích sản xuất sụn mà còn làm tăng lượng chất nhầy dịch khớp. Từ đó sẽ vừa giảm độ ma sát của khớp khi hoạt động vừa làm chậm quá trình lão hóa.
Glucosamine là một loại thuốc tốt cho khớp
Ngoài ra, cũng có các phương pháp khác để điều trị bệnh này, dựa trên mức độ và tình trạng bệnh như tiêm nội khớp hoặc phẫu thuật thay khớp,…
Mong rằng những nội dung trên đã giúp bạn có cái nhìn khái quát về căn bệnh của tuổi già – chứng thoái hóa khớp. Nhờ đó mà bạn sẽ có cách chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn!