Bệnh trĩ – nỗi đau khó nói của nhiều người

Bệnh trĩ được xem là một chứng bệnh nhạy cảm gây khó khăn cho nhiều người và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ. Hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách phòng tránh giúp chúng ta tránh xa căn bệnh này.

Những ai thường mắc bệnh trĩ

Bệnh trĩ hình thành khi hệ thống mạch máu ở ống hậu môn, đặc biệt là tĩnh mạch bị áp lực quá lớn hoặc ứ máu dẫn đến phình giãn, từ đó tạo thành các búi trĩ. Có ba loại trĩ bao gồm trĩ nội (búi trĩ trong ống hậu môn), trĩ ngoại (búi trĩ nằm ở rìa hậu môn) và trĩ hỗn hợp (mắc song song trĩ nội và trĩ ngoại).

Bệnh trĩ có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe

Có những đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh trĩ cao hơn phần còn lại, như:

  • Ăn ít chất xơ hoặc uống ít nước dẫn đến táo bón thường xuyên, phải rặn nhiều và ngồi bồn câu lâu
  • Tiêu chảy mạn tính
  • Người thừa cân béo phì
  • Người làm việc chân tay nặng nhọc
  • Người phải đứng hoặc ngồi chiều mà ít vận động
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
  • Phụ nữ mang thai

Những biểu hiện chứng tỏ bạn đang bị bệnh trĩ

Bệnh trĩ có 4 cấp độ, tùy theo loại bệnh mà có những biểu hiệu khác nhau.

Trĩ nội

  • Độ 1: Đại tiện ra máu ít. Máu lẫn vào phân hoặc nhận thấy có máu khi lau rửa hậu môn
  • Độ 2: Các búi trĩ sa ra phía ngoài khi đi đại tiện, thụt vào sau khi đi xong. Cảm thấy đau rát hậu môn và ra nhiều máu hơn
  • Độ 3: Lúc này máu đã chảy thành giọt, búi trĩ sa ra ngoài thường xuyên hơn và không thể tự thụt vào được nếu không có ngoại lực tác động
  • Độ 4: Búi trĩ sa ra bên ngoài hoàn toàn, gây nhiều đau đớn, máu chảy thành giọt hoặc thành dòng. Hậu môn bị tắc nghẽn

Dân văn phòng có tỷ lệ mắc bệnh trĩ cao

Trĩ ngoại

  • Độ 1: Búi trĩ nằm ngoài rìa hậu môn nhỏ như hạt đậu, có thể cảm nhận bằng tay. Có cảm giác ngứa hoặc rát
  • Độ 2: Búi trĩ phát triển to dần, vùng da ở hậu môn tiết dịch và gây ngứa ngáy
  • Độ 3: Đi đại tiện ra máu. Các búi trĩ phát triển phức tạp hơn, đau rát nhiều hơn
  • Độ 4: Chảy máu nhiều, đi tiện ra nhiều máu. Dịch hậu môn tiết nhiều gây viêm nhiễm, sưng đau. Ở nữ có thể kéo theo viêm nhiễm phụ khoa

Phương pháp điều trị và ngăn ngừa bệnh trĩ

Ngày nay khi y tế đã phát triển, chúng ta có nhiều phương pháp điều trị và phòng ngừa để giải quyết căn bệnh khó chịu này. Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bạn hãy chăm sóc sức khỏe của bản thân để tránh phải chịu nhiều đau đớn và cản trở nếu bị mắc trĩ.

Điều trị trĩ

Tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp. Vì vậy, bạn nên đi khám khi phát hiện mình có những dấu hiệu của bệnh trĩ.

Đối với trường hợp trĩ nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách thay đổi lối sống và để trĩ tự lành. Cụ thể là:

  • Tăng lượng chất xơ trong bữa ăn bằng cách ăn nhiều rau, củ, trái cây,…
  • Uống nhiều nước hơn
  • Giảm áp lực lên vùng hậu môn và trực tràng bằng cách thay đổi thói quen đi cầu như không cố rặn mạnh, không ngồi quá lâu
  • Thường xuyên ngâm mông vào thau nước nóng để giảm đau và sưng tấy

Bổ sung nhiều chất xơ vào khẩu phần ăn là cách phòng ngừa và điều trị trĩ tốt nhất

Bằng những cách này, các biểu hiện của trĩ sẽ từ từ giảm dần. Nếu sau một thời gian mà bạn thấy bệnh không mấy tiến triển hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn thì cần tái khám để tiến hành các biện pháp điều trị khác.

Khi bị trĩ nặng, bệnh nhân cần được can thiệp các biện pháp y tế, như:

  • Thắt trĩ bằng vòng cao su thích hợp cho trĩ nội độ 1 và 2
  • Tiêm xơ búi trĩ cho trĩ nội độ 1
  • Mổ trĩ bằng máy cắt nối phù hợp trĩ nội
  • Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ có thể giải quyết triệt để cả trĩ nội và trĩ ngoại nhưng chỉ được chỉ định trong một số trường hợp nhất định.

Ngăn chặn trĩ

Các biện pháp ngăn ngừa trĩ cũng tương tự như cách điều trị trĩ khi còn nhẹ. Tuy nhiên, thực hiện các cách này trong cuộc sống hằng ngày không những phòng ngừa trĩ, giúp bạn không phải trải qua cảm giác đau đớn mà còn giúp bạn có sức khỏe tốt hơn.

  • Ăn uống điều độ, ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc nguyên cám
  • Uống đủ nước
  • Không cố gắng rặn mạnh khi không thể đi đại tiện, hãy tìm biện pháp can thiệp khác
  • Vận động phù hợp mỗi ngày
  • Tránh ngồi lâu. Nếu bạn làm việc văn phòng phải ngồi nhiều thì hãy cố gắng đi lại vài vòng thường xuyên trong ngày.

Bệnh trĩ có thể là một bệnh rất khó chia sẻ. Thông qua việc hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, bạn có thể quản lý tình trạng cơ thể một cách hiệu quả. Đừng ngần ngại đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến bệnh.

BẠN MUỐN CẬP NHẬT TIN TỨC QUA EMAIL?

Chỉ cần để lại email tại đây, hàng tuần, chúng tôi sẽ gửi email dạng bản tin chứa các tin tức mới nhất liên quan đến ngành Dược cho quý vị.