Những nguy hiểm khôn lường mà sán lá gan có thể gây ra
Sán lá gan là loại ký sinh khá thường gặp tại môi trường nước ta. Vì sở thích ăn đồ sống, đặc biệt là thủy sản nước ngọt mà tỷ lệ nhiễm sán lá gan tăng dần qua các năm. Các gia đình cần phải đặc biệt chú ý để bảo vệ sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh.
Các đặc điểm của sán lá gan
Trước khi đi vào bước phòng tránh, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sán lá gan để hiểu về tập tính của chúng. Từ đó sẽ dễ dàng đề phòng hơn.
Các loại sán lá gan
Sán lá gan được chia thành 2 nhóm, bao gồm sán lá gan lớn (Fasciola hepatica và Fasciola gigantica) và sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus). Ở Việt Nam, người dân thuộc khu vực miền Bắc thường nhiễm sán lá gan lớn. Trong khi đó, người dân sống ở miền Trung và miền Nam thường nhiễm sán là gan nhỏ.
Sán lá gan có nhiều kích thước khác nhau tùy loài. Nhìn chung chúng đều có hình dạng giống như chiếc lá, có thân dẹt và bờ mỏng. Khả năng tồn tại của trứng và cả sán lá gan trưởng thành ở môi trường ngoài đều kém và đều dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao (từ 60 độ trở lên). Đặc biệt, trứng muốn nở thành ấu trùng cần phải ở trong nước.
Sán lá gan là loại ký sinh trùng lây nhiễm qua đường ăn uống
Đường lây nhiễm
Sán lá gan lây nhiễm chủ yếu qua đường ăn uống. Chúng không thể lây từ người sang người. Vật chủ chính của sán lá gan là người và một số động vật nuôi (trâu, bò, chó, mèo, chuột,…) và cả động vật hoang dã (hổ, báo, cáo, chồn, rái cá,…). Động vật trung gian truyền bệnh thứ nhất bao gồm các loài ốc. Vật chủ trung gian truyền bệnh thứ hai chính là các loài cá nước ngọt. Con người sẽ nhiễm sán do ăn các loại cá, ốc, rau mọc dưới nước mà chưa được nấu chín hoặc uống nước lã chưa được đun sôi.
Triệu chứng khi nhiễm sán lá gan
Ấu trùng sán sẽ theo thức ăn chưa được nấu chín đi vào dạ dày, xuống đến tá tràng. Sau đó sán sẽ tiếp tục theo đường mật đi vào gan, ấu trùng sẽ lớn thành sán trưởng thành và gây bệnh cho cơ thể ở nơi này.
Biểu hiện khi nhiễm sán lá gan lớn:
- Đau vùng hạ sườn bên phải lan về sau lưng hoặc đau vùng thượng vị, mũi xương ức. Tùy vào biểu hiện mỗi người mà có thể đau dữ dội, đau âm ỉ hoặc không đau.
- Người bệnh hay cảm thấy mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, bị rối loạn tiêu hóa hoặc nôn ói
- Nổi mẩn ngứa hoặc sốt, đau cơ và khớp
- Với trường hợp nặng có thể gây áp xe gan, nếu bị vỡ có nguy cơ tràn dịch màng phổi
Biểu hiện khi nhiễm sán lá gan nhỏ:
- Đau tức hạ sườn phải (vùng gan)
- Bị rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, thường thấy khó chịu
- Sạm và vàng da
- Gan to hoặc xơ gan
- Với trường hợp nặng có thể gây viêm, tắc nghẽn hoặc chảy máu đường mật, thậm chí là ung thư đường mật,…
Ăn thực phẩm sống làm tăng nguy cơ nhiễm sán
Cách điều trị và phòng ngừa sán lá gan
Nắm bắt những triệu chứng nhiễm sán sẽ giúp bạn phát hiện và thăm khám kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Cách điều trị
Điều đáng mừng là sán lá gan có thể được điều trị khỏi. Khi thấy những dấu hiệu đã đề cập ở trên và nghi ngờ mắc sán lá gan, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Ngoài việc sử dụng các loại thuốc tẩy giun theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần tiến hành bồi bổ cơ thể để chống suy nhược.
Đối với những ai có ổ áp xe trong gan lớn hơn 5cm thì phải tiến hành phẫu thuật vì lúc này thuốc không thể phát huy tác dụng được nữa.
Có một số trường hợp chống chỉ định điều trị sán lá gan, bao gồm: Phụ nữ có thai, bệnh nhân mắc một số bệnh cấp tính, dị ứng thuốc điều trị, suy gan hoặc suy thận,…
Cách phòng ngừa
Chúng ta đã tìm hiểu về nguồn lây nhiễm sán lá gan ở trên. Nhờ vào đó chúng ta sẽ có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
- Hãy ăn chín uống sôi
- Không ăn các loại cá và các loại ốc nước ngọt chưa được nấu chín kỹ
- Không ăn sống các loại rau mọc dưới nước
- Luôn rửa tay thật sạch với xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với rác, chất thải.
- Xử lý phân người và phân động vật đúng cách
- Không dùng phân tươi để tưới bón cho rau quả
- Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt
- Tẩy giun định kỳ theo khuyến cáo của địa phương (3 hoặc 6 tháng/lần)
Ăn chín uống sôi là một trong những cách phòng tránh ký sinh trùng hiệu quả nhất
Sán lá gan không phải là bệnh quá nguy hiểm nhưng cần xử lý sớm vì có thể gây ra những biến chứng khôn lường. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về loại sán này và có thêm biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình.